Bao nhiêu gian khổ vất vả đi lại rồi ăn uống, cũng chỉ vì mê đắm những đồi cỏ lau bạt ngàn của Bình Liêu. Cung đường biên giới bạt ngàn lau trên từng cây số. Cơ mà để nói về nơi lau đẹp nhất, choáng ngợp nhất thì phải nhắc tới cột mốc 1297

Đường tới mốc 1297

Cột mốc 1297 thuộc địa phận tỉnh Lạng Sơn. Cơ mà đi từ Bình Liêu dễ hơn nên người ta hay tưởng nhầm. Lấy mốc từ Thị trấn Bình Liêu, có 2 đường chính để tới mốc 1297. Đường đi không xa về khoảng cách và đều là đường bê tông. Tuy nhiên đường núi đi dốc nên đi lâu hơn và cần vững tay lái nhé

Cung đường biên giới thơ mộng dẫn đến cột mốc 1297

Cách 1: Mất khoảng 1,5h

Theo lối qua cầu treo Nà Làng, qua bản Nà Chuông. Đi miết sẽ thấy biển chỉ dẫn cột mốc 61, 63 thì rẽ vào hướng đó. Từ cột mốc 63. Đi tiếp khoảng 7km là tới mốc 1297. Cách này nếu search google map thì bạn phải đứng ở thị trấn Bình Liêu tìm mới ra, chứ ngồi ở Hà Nội tìm trước nó sẽ không chỉ đường này, mà chỉ đường như cách 2

Cách 2: Cũng mất khoảng 1,5h

Từ thị trấn Bình Liêu đi đến cửa khẩu Hoành Mô sau đó rẽ trái tới bản Ngàn Chuồng. Đi thêm 10km tới ngã ba đường biên. Lúc này bạn rẽ trái tới mốc 61 để tới địa phận xã Bắc Xa (huyện Đình Lập -Lạng Sơn). Tiếp đó đi thêm khoảng 5km đến ngã ba rẽ phải khoảng 100m nữa là tới mốc 1297.

Thiên đường cỏ lau 1297

Để nói về độ ham thích lau trắng, ham thích cột mốc 1297, nếu tớ là số 2 thì chắc không ai số 1. Bằng chứng là trong 2 ngày 1 đêm ở Bình Liêu, tớ đã đi mốc 1297 đến 2 lần lol. Một lần lúc hoàng hôn và một lần lúc sáng sớm – hai thời điểm đẹp nhất trong ngày

Thực tế thế nào. Chỉ 2 chữ thôi. THIÊN ĐƯỜNG. Mốc 1297 nằm trên một ngọn đồi cao. Đường lên mốc bạt ngàn lau trắng 2 bên. Đẹp như một giấc mộng

Theo lý thuyết, mùa lau nở bắt đầu từ tháng 10 cho đến hết tháng 11 hàng năm. Tuy nhiên, thời điểm bọn tớ đi vào đầu tháng 11 thì lau đã tàn ít nhiều. Theo người dân nói thì lúc lau đẹp nhất là khoảng 2 tuần trước. Vậy nên tốt nhất là đến đây vào tầm giữa hoặc cuối tháng 10 để được ngắm lúc lau bung trắng đẹp nhất nhé.

Lần đầu tới 1297 là khi hoàng hôn buông. Khung cảnh cứ có cảm giác yên bình tĩnh lăng (dù xung quanh rất đông người :))) Đứng từ cột mốc nhìn xuống trùng điệp núi non dưới chân, lại nhìn lên mặt trời đỏ rực đang khuất dần. Đẹp câm nín.

Lần thứ 2 tớ đến cột mốc 1297 là lúc sáng sớm, tầm 7h. Lúc này đồi lau chưa có ai tới, chỉ có mình bọn tớ thôi. Thích mê.

Khác với nét trầm lặng của hoàng hôn, cột mốc 1297 lúc sáng sớm đẹp rực rỡ, đẹp nức lòng người hâm mộ. Lời lẽ thật không đủ để mô tả vẻ đẹp này. Các bạn ham sống ảo nhớ chuẩn bị máy ảnh xịn để ghi lại những khung hình ảo diệu nhất nhé

Có một lưu ý là nếu muốn ngắm 1297 vào 2 “khung giờ vàng” như trên, bạn sẽ phải bỏ công một chút. Đi lúc hoàng hôn thì chấp nhận lúc về mặt trời đã tắt, đường rất tối và đáng sợ, lạnh nữa.

Đi khi bình minh thì phải thức dậy từ tình mơ, mặc đồ thật ấm vì buổi sáng trên núi lạnh thấu tim gan. Nhớ mang theo đồ ăn và nước uống nhé. Quanh cột mốc không có người sinh sống, cũng không có quán xá gì đâu nha.

Cột mốc 1300 – Matcha Hill trong truyền thuyết?

Cột mốc 1300 khá gần mốc 1297, cách nhau 3km đi mất tầm tầm 15-20′. Thật ra 1300 nằm trên đường từ mốc 63 tới mốc 1297. Tra google map sẽ không thấy 1300 đâu. Mọi người đi xe cứ để ý nhìn xuống mặt đường, người ta viết số các mốc ở đó nha

Thang leo lên mốc 1300 không dài, nhưng rất dốc. Đứa yếu tim như tớ thật đã phải thu hết can đảm mới dám trèo lên. Cũng vì nghe nói view từ 1300 sẽ thấy ngọn đồi matcha siêu đẹp

View từ 1300 đây. Chả biết đồi matcha ở chỗ nào lol

Kết quả thì sao. Thất vọng toàn tập. Không thể nhận ra đồi matcha ở chỗ nào. Chỉ thấy bên cạnh có ngọn đồi cỏ úa lơ thơ. View cũng thấy núi non trùng điệp dưới chân. Cơ mà để so với 1297 thì thật không có gì đặc sắc. Thôi vì gần nên ta leo lên cho biết ha

Khoe nốt mấy tấm ảnh ở 1297 nhé

Thực sự là bạn Hạnh rất rất mê mệt cột mốc 1297. Đi 2 lần rồi mà vẫn còn thòm thèm. Cơ mà nếu hỏi có quay lại Bình Liêu không thì tớ phải nói thật là….KHÔNG. Hoặc chí ít là phải rất lâu rất lâu sau khi nơi này dịch vụ phát triển hơn, đồ ăn dễ chịu hơn, khách sạn đẹp hơn…tớ mới quay lại

Nói vậy không phải để làm nhụt chí các bạn. Tớ vẫn cực kì happy với chuyến đi này. Đi một lần để biết và nhớ mãi nha 😀

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

One thought on “Review chi tiết Bình Liêu (Phần 2) – Thiên đường cỏ lau cột mốc 1297, 1300

  1. Trần Anh Mỹ says:

    Cám ơn Review của bạn. Bạn viết rất tỉ mỉ, rõ ràng. Đó là vì bạn thực sự du lịch, thực sự khám phá, chứ không phải chạy xe đánh vèo một cái để nói ta đã từng qua nơi này.

    Tôi có ý định sẽ khám phá nơi này kỹ hơn, để có thể quyết định đến ở đây sống, làm nghề chăn bò, và để tiếp đón bà con đi đến đây chơi. Theo tôi, thì có thể chăn bò được, cho ăn cỏ lau. Cỏ này theo tôi thì không phải Cỏ Lau (CL), mà là Cỏ Đuôi Chó (CĐC).

    Điều khác nhau là CL mọc ở nơi trũng, ngập nước, cao to hơn nhiều, đến 2 mét, và Cờ Lau của nó to tướng, Đinh Bộ Lĩnh đã phất Cờ Lau này. Bài hát Sông Lô của Văn Cao cũng nhắc đến cỏ Lau. Bà con miền núi Lai Châu lấy cờ lau về tuốt lấy bông, nhồi chăn gối nằm chống rét. Bạn có dịp, sẽ thấy Bông Lau trắng muốt, ấm êm, không thua kém Bông Gòn, Bông Gạo.

    CĐC thì nhỏ hơn, chịu hạn, và cờ lau của nó chỉ cỡ đuôi mèo thôi. Cỏ Lau và Cỏ Đuôi Chó cũng có nhiều giống, nhưng nói chung Trâu Bò ăn được Cỏ Đuôi Chó, hơn là ăn được Cỏ Lau, vì nó nhỏ bé hơn, thì cũng mềm hơn, dễ nhai hơn. Người Trung Quốc đã có ý nghĩ thu hái lá Cỏ Lau, bỏ vào máy xay nghiền ra để nuôi bò, nhưng ngay đến Cỏ Voi dễ nhai hơn, mà họ trồng đầy ra, cũng chẳng thu hái mà chăn nuôi, lỡ trồng đành bỏ phí hàng trăm hecta.

    Vì sao ta có thiên đường Cỏ Đuôi Chó, mà không ai chăn nuôi, giả định rằng CĐC chăn nuôi bò được? Đó là vì bà con ta nghèo, còn các đại gia thì đã có những cách kiếm tiền khác tốt hơn. Tôi không phải đại gia, mà chỉ là người khám phá thôi. Đây là một thách thức, mà thách thức là thứ hấp dẫn với người khám phá. Tôi muốn tìm ra câu trả lời cho câu hỏi “Có thể biến thiên đường Cỏ Đuôi Chó thành một thảo nguyên chăn nuôi tươi đẹp được không?” Tôi đã có một nửa câu trả lời: phải cắt cỏ khi còn non, không để cỏ mọc già, phơi khô để dành cho ăn suốt năm, và phải bỏ vốn ra mua Đỗ cho bò ngựa ăn thêm mới đủ dinh dưỡng. Một nửa nữa, phải tìm ra bằng cách đến đây ở, và nuôi ít nhất 50 con bò, ít nhất một chu kỳ của cây Cỏ Đuôi Chó. Nếu câu trả lời là đúng, thì tiếp theo, sẽ là những nhà tiếp đón bà con đến ngắm cảnh trời mọc trời lặn ở đây.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *